Hải đảo, trở lại || Island, return
a book of poetry by Thường Quán (Vietnamese)
sách thơ của Thường Quán (tiếng Việt)
Cover & book design || Thiết kế bìa & sách: Trần Thu Ngân
© 2016 Thường Quán
Cover image © Sử Nguyễn. Samsara (Luân hồi). Chinese ink on Xuan paper, 2016.
(Vietnamese language)
Thư đến bạn, người đọc
Joseph Brodsky khuyên “ Tuyệt đối, nếu tránh được, hãy tránh, đừng trích dẫn.” Tôi đã một lần ngậm ngợi câu ai trích dẫn Nguyễn Trãi, rằng, “Gốc của nhạc là hòa” để tự hỏi, vậy gốc của thơ là gì? Từ lần đó đến nay đã nhiều năm câu tự vấn vẫn để ngỏ. Bạn, người đọc, người đọc thơ, đến đây, cho câu hỏi này, hẳn có thể đang nghĩ tới một câu trả lời hay ho, thú vị. Hay rất có thể, cũng đang phân vân cửa sổ mở: “Gốc của thơ, gốc của thơ... à, gốc của thơ...” Sự phân vân, hơi dọ dẫm kiếm tìm kia của bạn, tự nó chẳng là sự thú vị à, ít ra cho tôi, kẻ đang gõ vào bàn phím, một đêm khuya đầu sáng? Một chân dung. Một cử chỉ. Một cái nhìn vào mông lung. Một ý tưởng lóe vụt. Một ý tưởng gì rất có thể hoàn toàn mới lạ, chưa từng có. Của bạn. Nó đến, vì bạn được hỏi, khi đang cầm trên tay một tập sách, một cuốn thơ: tập thơ này. Nếu câu hỏi đến, mà bạn không cầm trên tay cuốn sách, có khi câu trả lời sẽ đã khác. Nhưng mà tập sách, những chữ in, mẫu font, màu giấy, độ đậm của mực, những thứ này của cuốn sách bạn cầm tay, làm như có phần nào đó có quyết định đến ý tưởng của bạn Bình thường một bài thơ làm nên từ chữ lời, hình tượng, cốt tứ ý tưởng, vần điệu, âm nhạc. Bình thường, những thả lửng, những bỏ rơi và những không nói đã làm nên ý nhị của thơ. Rồi những biến tướng bất ngờ của chữ, của câu, những biến hóa bất ngờ khi một chữ này đến sát với một chữ kia, hóa trị chữ rùng mình thay đổi. Cả những cắt đoạn, những đột ngột một hình tượng, chẳng hạn, bước vào đứng cạnh một ý tưởng khác, tréo ngoe, không giống ai, chẳng hợp lý. Những phóng tưởng và đi lui, phân vân và bẻ hướng. “Gốc của thơ, gốc của thơ...” bạn đã tìm ra, bạn đang dò hỏi... Trong nghệ thuật, những dọ hỏi, tự trắc nghiệm với bản thân, vốn đã chẳng nằm trong tiến trình hình thành? Cái gì có mặt ở bạn thì cũng đã đi qua với thời gian, thời gian của sự làm việc và trải nghiệm, chẳng thế ư? Ngôn từ và ý tình, chỗ nối kết, thế giới ngoại vật và thế giới nội tâm, sự đi tới và kéo vào trong, hòa nhập, ở một mức độ thẩm thấu, làm nên những giấc mộng bần thần. Sự xoay trở tìm kiếm ngôn từ để thể hiện giấc mộng buốt lịm, hay hân hoan khôn tả ấy, làm nên mặt kia của đời sống: mặt chìm ẩn, khó thể hiện, nó bao lần khiến ta lúng túng, buông tay. Thực hiện tập thơ này tôi đã đi ngược lại những đoạn đường, tìm lại những bài thơ đăng tải rải rác ở những tạp chí văn học, những tờ báo được điều hành, biên tập bởi những nhà văn, nhà thơ yêu văn chương, làm việc một cách tự nguyện. Cuộc đi ngược lại này cho tôi không ít những cảm xúc, trước hết về những đổi thay, những đổi thay bó buộc như luật tắc tự nhiên, về những mất mát, về những người bạn nay không còn nữa, những ký ức về họ, những hình ảnh thiết thân của đời sống. Chúng tự động trở về cùng những điểm năm tháng tồn đọng trong trí nhớ. Vâng, quả nhiên, không có trí nhớ, không có trí nhớ được lưu giữ, tôi e rằng thơ khó bề hiện hữu. Phần lớn những gì tôi chọn lọc để vào sách này chứa đựng phần ký ức thuộc về tình cảm ấy, trước là gì khác. Những lớp bụi đóng váng trên những bàn ghế, những cuốn sách đứng im trên giá, một căn phòng trở lại. Bụi ấy, một nhà thơ đã gọi nó, là da thịt của thời gian. Và thời gian là của không ai, hay của Thượng Đế. Bạn đi xa, trở về, quay trở lại, như thế, mới tìm ra váng bụi kia. Căn nhà chung của bạn và tôi, của những tác phẩm, những con người, đã đi qua, còn đang có mặt, và sẽ tới. Gốc rễ của thơ, nằm trong đất đai, trong bầu trời, trong nhớ tưởng, trong ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ. Hai mươi mấy năm sau tập thơ đầu Ngoài Giấc Ngủ, với Nhà Xuất Bản Văn Nghệ của anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, tập thơ này có mặt vì một duyên thơ đường dài không kém. Không còn là chàng thanh niên chép tay nguyên si một tập dày bản thảo gởi đi như buổi đó, thì đứng ở thời điểm này, truy lục, sắp xếp, hiệu đính, sửa chữa (nhất là ở những bài dài) khi gởi về một nhà xuất bản bên kia biển, tôi vẫn y nguyên một rộn rã, bồi hồi. Hải đảo là một hình tượng qua trưa và băng đêm, nó không hề là ẩn dụ cho một đơn độc. Khi bạn, ngồi với một cuốn sách, thì bạn độc lập mà không đơn độc, phải vậy không? Cảm giác trùng phùng của chữ lời, những gặp gỡ trong liên tưởng, hay, nói như nhà thơ Dương Tường trong Thay Lời Bạt, của bao kỷ-niệm-sẻ-chia. Chính cảm giác ấy, tôi mong, là hạnh phúc. Gốc rễ của thơ: ta có thể thả lửng như những đầu bạch dương mà mùa màng đã dọn hết lá, treo giữa trời kia, hay có thể kéo lại gần, cùng thứ kỷ niệm chung cùng, của những ai đã từng đi qua bìa một cánh đồng, đứng trước một căn nhà, về tới một bìa nước, nước soi rọi thơ ấu.
Tôi gởi bạn người cầm tập thơ này khoảng không gian ấy.
TQ 4.7.2016